Chỉ định thầu, miễn bảo lãnh hợp đồng, tạm ứng hàng nghìn tỷ,... cho nhà thầu PVC đã khiến hàng loạt lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giai đoạn lập dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, với tổng vốn đầu tư hơn 41.000 tỷ, vướng vòng lao lý.
Đội vốn từ 29.700 tỷ lên hơn 41.000 tỷ
Cuối năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước các dự án đầu tư xây dựng hai nhà máy nhiệt điện là Long Phú 1 và nhiệt điện Thái Bình 2.
Nhưng sau nhiều chỉ đạo, nhất là sau khi cập nhật tổng mức đầu tư Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 về mặt bằng giá tại thời điểm Quý II/2010 thì tổng mức đầu tư mới của dự án là hơn 31.500 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư này được Hội đồng quản trị PVN phê duyệt vào tháng 7/2010.
Đáng chú ý, chủ đầu tư của dự án lúc ấy là PV Power - một đơn vị thành viên của PVN - chứ không phải PVN trực tiếp làm chủ đầu tư.
Dự án nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: Tiền phong
Đến tháng 3/2011, Hội đồng thành viên PVN mới có Nghị quyết đồng ý chủ trương chuyển dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 từ PV Power thành PVN là chủ đầu tư. Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 - đại diện cho chủ đầu tư - quản lý và tổ chức triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Đây cũng là thời điểm khởi công dự án.
Lúc này, tổng mức đầu tư của dự án lại tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng, lên gần 34.200 tỷ đồng. Nhưng đó cũng chưa phải là con số cuối cùng. Đến tháng 10/2016, PVN lại có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 41.700 tỷ đồng.
Khi dự án được lập vào năm 2010, Hội đồng quản trị PVN đã có Nghị quyết về chủ trương giao Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thực hiện gói thầu EPC dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu. Tháng 10/2011, PVC chính thức được chỉ định thầu gói thầu EPC nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Thế nhưng, điều đáng nói là, trước khi được chính thức giao làm nhà thầu của nhiệt điện Thái Bình 2, PVC đã được PVN chuyển cho hơn 1.300 tỷ đồng và 6,6 triệu USD để thực hiện dự án (từ tháng 4 đến tháng 6/2011). Đây cũng chính là nguồn cơn khiến hàng loạt lãnh đạo PVN thời kỳ này phải trả giá.
Trong số hơn 1.300 tỷ đồng và 6,6 triệu USD này, PVC chỉ sử dụng hơn 230 tỷ và khoảng 6,6 triệu USD vào thi công dự án xây dựng nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Còn hơn 1.000 tỷ đồng, PVC đã dùng sai mục đích như thanh toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỷ đồng; thanh toán lãi vay ủy thác của Tập đoàn PVN 55 tỷ đồng; hỗ trợ vốn Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỷ đồng; hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỷ đồng; hỗ trợ vốn các công trình khác 156 tỷ đồng.
Đăng nhận xét