Giá lúa gạo lập "đỉnh" kỷ lục
Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) vừa mở phiên đấu thầu cung cấp 250.000 tấn gạo các loại cho quốc gia này. Tuy nhiên, trong đợt đấu thầu lần này, không một doanh nghiệp Việt Nam nào trúng thầu. Nguyên nhân là giá bỏ thầu của các doanh nghiệp từ Thái Lan khá thấp, Việt Nam không cạnh tranh lại.
Cụ thể, có tới 6/7 gói thầu có phần thắng thuộc về các công ty của Thái Lan, gói còn lại thuộc về OLAM - một công ty đa quốc gia. Giá trúng thầu thấp nhất một công ty Thái Lan đưa ra là 461,75 USD/tấn.
Tuy vậy, việc "rớt thầu" lần này có vẻ không khiến thị trường lúa gạo trong nước trở nên ảm đạm mà vẫn giữ nhịp sôi động như trước đó, thậm chí, giá lúa gạo trong nước đang ở mức cao nhất trong lịch sử.
Giá lúa gạo trong nước đang ở mức "đỉnh" trong nhiều năm qua. Ảnh minh họa
Bà Đặng Thị Liên – Giám đốc Công ty Lương thực Long An, cho biết, bà đang trên đường đi thăm đồng từ vùng Tam Hồng (Đồng Tháp) trở về. Giá lúa tươi, giá gạo nguyên liệu và cả giá gạo thành phẩm ở đây hiện cao ngất ngưởng. Nông dân một số vùng trồng đang rất phấn khởi và bắt đầu thu hoạch rải rác vụ hè thu.
Bà Liên thông tin, lúa tưới IR50404 tại ruộng đang được thu mua với giá 5.850 đồng/kg, giá gạo lứt IR50404 ở mức 8.650 đồng/kg trong khi giá gạo thành phẩm đã lên mức 10.200 đồng/kg, tăng khoảng 200 đồng/kg so với hồi tuần trước và là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
Bà Liên cho rằng, với mức giá lúa gạo nguyên liệu trong nước như hiện nay, doanh nghiệp khó có thể thắng thầu trong gói thầu 250.000 tấn của NFA vừa qua. Tuy nhiên, phía Thái Lan bỏ thầu với giá chỉ nhỉnh hơn 461,7USD/tấn giao hàng tại kho NFA thì có phần khó hiểu.
Do đó, dù doanh nghiệp Việt Nam không trúng được gói nào trong đợt đấu thầu này nhưng các doanh nghiệp cũng không quá lo lắng. Vì với giá thu mua như hiện nay, nếu doanh nghiệp có chào giá 512USD/tấn giao tại kho nhập khẩu thì vẫn chưa có lời.
"Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn đơn hàng 130.000 tấn xuất khẩu sang Philippines ký hồi đầu tháng 5 và sẽ giao hàng cho đến cuối tháng, một số giao hàng vào đầu tháng 6. Do đó, dự báo giá lúa hè thu sẽ vẫn ở mức cao", bà Liên nhận định.
Chưa kể, đầu tuần tháng 6 tới, cùng với Thái Lan, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sang Indonesia tham dự gói thầu cung cấp 500.000 tấn gạo trong đợt nhập khẩu thứ hai của nước này. Một số nhà kinh doanh gạo cho rằng, đợt này, Việt Nam có thể bỏ giá cao vì gạo Việt đang có một số lợi thế tại Indonesia.
Sẽ vẫn giữ mức cao trong vụ hè thu
Còn theo ông Lâm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Thịnh Phát (Bến Tre), mức giá lúa hàng hóa ở ĐBSCL hiện đã lên tới mức cao nhất trong lịch sử. Nguyên nhân chủ yếu do lúa hàng hóa vụ đông xuân đã kết thúc thu hoạch, diện tích thu hoạch của vụ hè thu chưa đáng kể.
Trong khi đó, những thông tin mở thầu của Philippines từ đầu tháng 5 cùng những tín hiệu tốt về thị trường như Indonesia chuẩn bị mua gạo khối lượng lớn… cũng tạo tâm lý khiến giá lúa tăng cao.
Dù giá lúa cao nhưng thực tế, không nhiều nông dân bán được lúa vì doanh nghiệp chưa dám mua vào.
Điều đáng chú ý là giá gạo thành phẩm tuy đã lên cao, tới 10.000 đồng/kg hoặc hơn với loại 5% tấm như đã nói ở trên, nhưng lại chưa tương ứng với giá lúa hàng hóa.
Ông Tuấn lý giải, các nhà cung ứng gạo đang bán gạo có sẵn trong kho để chốt lời, chứ không phải đi mua lúa rồi mới xay ra để bán. Vì với giá lúa cao kỷ lục hiện nay, giá gạo thành phẩm còn phải cao hơn nữa.
Cùng quan điểm, bà Liên cho biết, hiện doanh nghiệp chưa dám mua vào hoặc chỉ mua vừa đủ xuất đi. Phần còn lại, hiện các doanh nghiệp đang tập trung bán gạo trong kho để chốt lời, chủ yếu là gạo thơm còn lại từ vụ đông xuân. Hiện gạo thơm bán ra cũng được giá 585USD/tấn.
Như tại doanh nghiệp bà Liên, hồi trung tuần tháng 5, bà Liên tham gia xuất khẩu được 1.600 tấn trong gói thầu 130.000 tấn xuất khẩu sang Philippines. Tuy nhiên, đợt này do giá lúa mua vào còn chưa "lập đỉnh" nên bà còn "lời chút đỉnh", còn đối với những doanh nghiệp đưa hàng đi trong tuần qua hoặc từ nay cho đến cuối tháng, nếu phải mua vào, có thể sẽ không có lãi, thậm chí chịu lỗ chút ít.
Đăng nhận xét