Mê Linh giải bài toán môi trường chăn nuôi

Là một trong những địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn của Hà Nội, vì vậy ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề rất nóng của huyện Mê Linh.Trao tặng 15 suất quà cho học sinh nghèo huyện Mê Linh
Chưa có hệ thống xử lý chất thải tập trung
Nguồn Tin tức chăn nuôi Việt Nam
Xã Liên Mạc là một trong những địa phương thuộc huyện Mê Linh có nghề chăn nuôi lợn phát triển mạnh nhất. Đến nay, tổng đàn lợn của địa phương này khoảng 10.000 con. Đi dọc những kênh rạch, bờ mương xã Liên Mạc, không khó để nhận thấy chất thải vật nuôi lắng đọng lâu ngày, bốc mùi xú uế. Nhiều đoạn, dòng nước đã không thể sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Liên Mạc Nguyễn Ngọc Nhận, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm chủ yếu đến từ giai đoạn trước, khi chăn nuôi chưa được kiểm soát.
Hệ thống kênh mương đang bị ô nhiễm khá nghiêm trọng tại xã Liên Mạc, huyện Mê Linh. Ảnh: Lâm Nguyễn

Thống kê của phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho thấy, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện hiện lên tới 721.000 con. Trong đó, trâu bò 6.961 con, lợn 70.152 con và gia cầm 643.825 con. Tuy nhiên, đến nay, cả 16/16 xã đều chưa có điểm xử lý chất thải tập trung! Chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát vẫn phổ biến tại hầu hết các xã. Điều này khiến tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải vật nuôi, trở thành bài toán không dễ giải đối với mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững của địa phương.
Đẩy mạnh chăn nuôi xa khu dân cư
Nhận thức được những nguy cơ về ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi, huyện Mê Linh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó đáng chú ý là việc địa phương đang rốt ráo triển khai hỗ trợ một lần đến 50% giá trị hầm biogas composite cho các gia trại, trang trại chăn nuôi. Trong năm 2017, huyện đã hỗ trợ trên 80 hầm cho các cơ sở chăn nuôi gia súc. Cùng với đó, huyện cũng hỗ trợ một lần chế phẩm sinh học xử lý ô nhiễm môi trường và chế phẩm làm đệm lót chuồng nuôi cho hàng chục vạn gia súc, gia cầm, thủy cầm...
Dù vậy, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Ngọc Hà, những hỗ trợ trên chỉ là giải pháp tức thời. Về lâu dài, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, xa khu dân cư và khuyến khích phát triển chăn nuôi an toàn sinh học mới là hướng đi mà địa phương muốn tập trung đẩy mạnh. Những năm qua, đã có hàng chục trang trại chăn nuôi quy mô từ vài ha cho tới 50ha đã được xây dựng và đi vào hoạt động có hiệu quả tại các xã Liên Mạc, Tự Lập, Tiến Thắng…
Để góp phần hỗ trợ địa phương cải thiện điều kiện chăn nuôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ban ngành sớm triển khai Quyết định số 93/2009/QĐ-UBND của UBND TP ban hành Chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, trọng tâm là đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường khu chăn nuôi cho các vùng sản xuất tập trung. Đồng thời, cụ thể hóa cơ chế khuyến khích chuyển đổi cơ cấu vật nuôi từ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư sang chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại xa khu dân cư giai đoạn 2017 - 2019.
Cũng theo ông Quang, huyện Mê Linh đang bước đầu triển khai xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Đối với nhiệm vụ này, địa phương rất mong nhận được những trợ lực kịp thời và cụ thể từ các sở, ban ngành trong thời gian tới.