Từ chỗ thiếu gạo ăn đến dư thừa xuất khẩu ở Campuchia

Hiện Campuchia xuất khẩu gạo tới 63 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu.
Từ chỗ thiếu gạo ăn đến dư thừa xuất khẩu ở Campuchia
Từ chỗ thiếu gạo ăn đến dư thừa xuất khẩu ở Campuchia
10 năm trước đây, trong hồi ức của những người nông dân trồng lúa ở Camphuchia, xuất khẩu gạo với họ là một điều không tưởng. Hạt gạo cứng, bám bụi, không được xát vỏ, rất khó để nấu chín đều. Người nông dân thậm chí còn bán chúng dưới dạng thức ăn cho gia súc để đổi lấy tiền mặt hay gạo từ Việt Nam và Thái Lan.
Mặc dù hồi phục sau chiến tranh sau nhiều thập kỷ, trở thành một đất nước nông nghiệp với 80% dân số làm nghề nông, năm 2009 - giai đoạn được cho là khấm khá, Campuchia cũng chỉ xuất khẩu được hơn 12.000 tấn gạo, đứng cuối bảng xếp hạng toàn cầu. Năm 2010, sản lượng lên 40.000 tấn. Đến năm 2013, Campuchia xuất khẩu gần 400.000 tấn gạo tới 66 nước trên thế giới, tức là gấp gần 10 lần chỉ trong vòng 3 năm.
Trong gần 8 năm, Campuchia đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, từ một nước nông nghiệp trồng lúa thành nước xuất khẩu gạo, hiện là một trong những thương hiệu gạo chất lượng dẫn đầu.
Gạo Campuchia tiếp cận được nhiều thị trường khó tính như châu Âu, cạnh tranh mạnh với gạo Thái Lan. Liên tục từ năm 2012 đến năm 2014, nước này đạt danh hiệu gạo ngon nhất toàn cầu trong hội nghị gạo thế giới (The World Rice Conference).
Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia
Thành tựu này đạt được, theo các chuyên gia, phần lớn là nhờ chiến dịch tiếp thị gạo của Campuchia, không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng. Hệ thống canh tác lúa ít cơ giới hóa, trồng giống lúa mùa kéo dài tới 6 tháng, ít sử dụng phân, thuốc hóa học.
Nhờ đó, sản lượng gạo ít nhưng có đến 40% là chất lượng cao, giá bán xuất khẩu cũng cao hơn. Giá các loại gạo như gạo 5% tấm, 25% tấm, gạo lứt của Campuchia luôn cao hơn giá gạo cùng loại của Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan tới vài chục USD/tấn.
Năm 2010, chính phủ Campuchia công bố chính sách xúc tiến sản xuất và xuất khẩu lúa gạo đầu tiên, đem đến các giải pháp về sản xuất lúa, thu hoạch và chế biến, vận tải và thị trường.
Tiếp theo đó, với sự hỗ trợ của công ty tài chính quốc tế IFC thuộc World Bank, chiến lược xuất khẩu gạo của Campuchia được thực hiện thông qua khảo sát, phân tích kỹ lưỡng các thị trường tiềm năng, bao gồm Trung Quốc, Singapore, Pháp, Đức, Mỹ, và Bờ Biển Ngà.
Qua đó, IFC đưa ra các chiến lược chi tiết liên quan đến xây dựng thương hiệu, marketing, đóng gói, dịch vụ…dựa trên sự thấu hiểu mỗi thị trường.
IFC đang đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp thông minh, trong các lĩnh vực gieo trồng, công nghệ và dịch vụ nông nghiệp tại Campuchia, nhằm tạo nên một chuỗi cung ứng lâu bền, đạt các tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững (SRP), từ đó tăng sức hấp dẫn với các nước nhập khẩu.
Campuchia cũng tích cực tham gia các hội chợ gạo quốc tế, tổ chức các diễn đàn về gạo nhằm trao đổi kinh nghiệm và quảng bá thương hiệu gạo chất lượng cao tới thị trường quốc tế.
Theo số liệu mới công bố của Ban Thư ký Dịch vụ xuất khẩu gạo một cửa Campuchia, nước này đã xuất khẩu hơn 635 nghìn tấn gạo tới 60 thị trường trong cả năm 2017, tăng 17,3% so năm 2016.
Tháng 1/2018 vừa qua, Campuchia vừa mới ra mắt loại gạo mới Malys Angkor, được cho là thương hiệu gạo mang tiêu chuẩn đặc trưng, với mong muốn thúc đẩy xuất khẩu và quảng bá sản phẩm gạo quốc gia với tiêu chuẩn chất lượng thống nhất.