Trái với dự báo của giới phân tích, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng sau khi nhích lên vào cuối năm 2017 và tháng đầu năm nay đã ổn định và đi xuống trở lại trong bối cảnh thanh khoản của toàn hệ thống dồi dào. Tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn không thay đổi và chưa thể giảm. Vậy đâu là nguyên nhân?
Ảnh minh họa. Nguồn: iStock
Trong tháng 5, một loạt ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi, thậm chí những ngân hàng thương mại nhà nước như Vietinbank, BIDV có đến 2 lần điều chỉnh giảm. Trong khi đó, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần như Quân đội, Techcombank, ACB hay SHB cũng đã giảm lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn.
Với việc liên tiếp giảm lãi suất tiền gửi đáng chú ý kể từ tháng 3 đến nay, chi phí vốn của nhiều ngân hàng đã giảm, dù vậy lãi suất cho vay vẫn không có dấu hiệu điều chỉnh, thậm chí một số ngân hàng còn tăng lãi suất cơ sở để từ đó nâng lãi suất cho vay.
Phải đảm bảo kế hoạch nghìn tỷ
Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, Chính phủ không phải nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thật vậy, với tăng trưởng GDP quý I đạt mức cao nhất trong 10 năm qua tại 7,38%, thì mục tiêu tăng GDP 6,7% cả năm đang trong tầm tay. Cùng với diễn biến giá dầu thô tăng mạnh trở lại và cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư tích cực, nhiều nhà kinh tế cho rằng không nên quá nới lỏng chính sách tiền tệ vì có thể dẫn đến bất ổn cho kinh tế vĩ mô.
Tăng trưởng bằng mọi giá, cho vay tiêu dùng sẽ nhận trái đắngTS. ĐỖ HOÀI LINH
Theo đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng khó có thể tiếp tục được mở rộng như năm 2017 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, do đó hạn mức tín dụng của các ngân hàng cũng khó được Ngân hàng Nhà nước nới thêm. Với con số tăng trưởng đầu ra ít ỏi còn lại, các ngân hàng cần phải tính đến việc neo lãi suất cho vay ở mức cao để đạt lợi nhuận tối ưu, khi mà năm nay ngân hàng nào cũng đặt kế hoạch lợi nhuận lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng.
Với cung vốn đầu ra bị thắt lại trong khi nhu cầu vốn vay từ nền kinh tế tiếp tục ở mức cao, từ khối doanh nghiệp lẫn cá nhân, thì các ngân hàng cũng không "dại gì" phải giảm lãi suất cho vay để rồi ảnh hưởng đến khả năng sinh lời, đặc biệt là trong tình hình nhiều ngân hàng vẫn còn nợ xấu ở mức khá cao, tài sản không sinh lời vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể.
"Cục máu đông" nợ xấu dù đang rã dần trước hàng loạt chính sách tháo gỡ của các cơ quan quản lý trong thời gian qua, nhưng hiện tại vẫn ít nhiều làm suy giảm khả năng sinh lời của các ngân hàng, do đó các khoản vay mới và nợ tốt vẫn cần phải đảm bảo ở mức lãi suất đủ cao để bù đắp cho những thiệt hại từ các khoản nợ xấu trước đây vẫn tồn tại dai dẳng.
Thông thường, nguồn vốn huy động của các ngân hàng sẽ được cân đối để cho vay, đầu tư trái phiếu và kinh doanh vốn trên thị trường liên ngân hàng. Trong bối cảnh cho vay không được mở rộng thêm, các ngân hàng không có nhiều cơ hội kiếm lãi lớn trên 2 thị trường còn lại như trước đây.
Khi lợi suất trên các kênh đầu tư suy giảm
Thông thường nguồn vốn huy động của các ngân hàng sẽ được cân đối để cho vay, đầu tư trái phiếu và kinh doanh vốn trên thị trường liên ngân hàng. Trong bối cảnh cho vay không được mở rộng thêm, các ngân hàng không có nhiều cơ hội kiếm lãi lớn trên 2 thị trường còn lại như trước đây.
Lãi suất trái phiếu chính phủ đã đi xuống liên tiếp trong thời gian qua và gần như đang nằm ở mức thấp nhất. Tính đến cuối tháng 5, lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm chỉ ở quanh 3%, trong khi kỳ hạn phổ biến 10 năm chưa tới 4,3%. Chính vì mức lợi suất thấp như thế nên dù các ngân hàng thừa tiền vẫn không còn mặn mà rót vốn vào trái phiếu chính phủ. Thống kê cho thấy tỷ lệ trúng thầu, gọi thầu trái phiếu chính phủ trong tháng 4 và tháng 5 chỉ đạt lần lượt là 30% và 37%, giảm rất mạnh so với 80 - 90% trong giai đoạn trước.
Kinh doanh vốn trên thị trường liên ngân hàng cũng không có nhiều khởi sắc, với lãi suất cho vay giữa các ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp, chỉ từ 1 - 2% tùy kỳ hạn. Nếu nhìn vào khung lãi suất huy động đầu vào của các ngân hàng hiện nay thì có thể thấy cao hơn đáng kể. Đa số các ngân hàng vẫn kinh doanh trên thị trường này chủ yếu để tối ưu hóa việc sử dụng vốn, tránh để lượng tiền mặt quá lớn không sinh lời.
Như vậy, trong 3 kênh vốn đầu ra phổ biến của các ngân hàng hiện nay thì chỉ có kênh cho vay là còn có thể chủ động xác định giá bán. Do đó, các ngân hàng buộc phải giữ lãi suất cho vay cao để vừa bù đắp cho biên lãi suất bị suy giảm ở 2 kênh đầu tư còn lại và duy trì được hệ số thu nhập lãi thuần (NIM) không bị giảm thêm, nhất là thời gian qua hệ số này bị ảnh hưởng đáng kể do nợ xấu cũng như giới hạn các tỷ lệ cho vay bị thắt chặt.
Đặc biệt với việc các kênh cho vay có lãi suất cao như tín dụng tiêu dùng, đầu tư bất động sản đang bị hạn chế vì rủi ro ngày càng tăng, và liên tiếp bị Ngân hàng Nhà nước cảnh báo thì các ngân hàng càng có động lực giữ lãi suất cho vay ở các phân khúc khách hàng khác chứ khó giảm thêm như kỳ vọng của người vay nói chung và giới doanh nghiệp nói riêng.
Đăng nhận xét