Philippines đặt giá tham chiếu thấp cho gói thầu nhập gạo hôm 22-5

So với giá trúng thầu của hợp đồng bán gạo theo thỏa thuận liên chính phủ (G2G) cho Philippines hôm 4-5, mức giá tham chiếu được quốc gia này đưa ra để mời chào hợp đồng nhập khẩu theo hình thức chính phủ-tư nhân (G2P), sẽ mở thầu ngày 22-5, thấp hơn khoảng 20 đô la Mỹ/tấn. Vì sao Philippines "đặt" giá tham chiếu thấp như vậy?
Trong ảnh là nông dân đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh
Trong công văn gửi đến các doanh nghiệp hội viên được ông Nguyễn Trung Kiên, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) ký mới đây về việc "thông báo đấu thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo theo hình thức G2P của Philippines" cho biết, giá tham chiếu được quốc gia này đưa ra cho hợp đồng nhập khẩu 250.000 tấn đối với loại 15% tấm là 505,8 đô la Mỹ/tấn (giá CIF) và loại 25% tấm là 498,25 đô la Mỹ/tấn.
Như vậy, so với mức giá trúng thầu của hợp đồng G2G được mở hôm 4-5, thì giá tham chiếu được Philippines đưa ra thấp hơn đến khoảng 20 đô la Mỹ/tấn.
Cụ thể, giá tham chiếu được Philippines đưa ra trong phiên mở thầu hôm 4-5, là 531 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 15% tấm (giá CIF), tăng 47,37 đô la Mỹ/tấn so với giá tham chiếu được đưa ra hôm 27-4-2018 và 520,5 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 25% tấm, tăng 46,32 đô la Mỹ/tấn.
Theo lý giải của một doanh nghiệp khi trao đổi với TBKTSG Online hôm 17-5, sở dĩ Philippines đồng ý nâng giá tham chiếu là để đạt thỏa thuận mua gạo nhanh vì quốc gia này cần nhập khẩu khẩn cấp gạo để bổ sung kho dự trữ đã cạn kiệt, mà cụ thể là phần lớn lượng gạo nhập khẩu được yêu cầu phải đến Philippines trong tháng 5 này.
Trong khi đó, cả Việt Nam và Thái Lan - hai quốc gia duy nhất tham gia đấu thầu bán gạo - đều không chấp nhận giá tham chiếu được Philippines đưa ra trong phiên mở thầu hôm 27-4. "Với bối cảnh Philippines cần nhập khẩu khẩn cấp gạo như vậy, còn hai nước xuất khẩu lại không chấp nhận mức giá đó, thì dĩ nhiên Philippines phải chịu nâng giá bán thôi", vị này nói.
Như vậy, lần mở thầu ngày 22-5 sắp tới, Philippines đã dựa vào cơ sở nào mà giảm mạnh giá tham chiếu? Cũng theo doanh nhân nói trên, yếu tố khiến Philippines hạ giá tham chiếu do kho dự trữ của Philippines trong tháng 5 này sẽ được bổ sung một lượng gạo đáng kể từ nguồn cung cấp của Việt Nam và Thái Lan. Trong khi đó, Philippines lại chưa vội nhập kho ở phiên thầu mới, mà cụ thể là thời gian giao hàng đến tháng 7 và 8.
Một lý do khác quan trọng không kém, đó là thay vì chỉ có hai đại diện của Việt Nam và Thái Lan tham gia, thì gói thầu ngày 22-5 cho phép tất cả các thương nhân ở tất cả các nước đều được tham gia cung cấp gạo cho Philippines, tức mức độ cạnh tranh sẽ cao hơn hay nói cách khác quyền quyết định sẽ nghiêng sang bên mua.
Cùng quan điểm, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thịnh Phát cho biết, do gói thầu G2P mua hàng đại trà, cho nên, để tất cả mọi người cùng bỏ giá cao để sau đó Philippines nâng giá tham chiếu lên giống như hợp đồng G2G mới đây là rất khó xảy ra. "Đặc biệt, khi các tập đoàn kinh doanh gạo của nước ngoài hồi đầu năm đã mua gạo của Việt Nam với giá thấp và hiện gạo vẫn còn đang nằm trong kho của các doanh nghiệp Việt Nam", ông cho biết.
Một yếu tố khác cũng tác động đến mức giá tham chiếu được Philippines đưa ra trong lần nhập khẩu này, đó là giá chào xuất khẩu gạo thế giới đã giảm so với trước đó. Chẳng hạn, thông tin từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, giá chào xuất khẩu gạo 25% tấm ngày 16-5-2018 của quốc gia này là 435 đô la Mỹ/tấn (giá FOB), trong khi trước đó vào ngày 25-4-2018 là 443 đô la Mỹ/tấn.