Giá heo hơi hôm nay 17/9: Sẽ t��ng cao nếu dịch tả châu Phi bùng phát

Giá heo hơi hôm nay 17/9 tiếp tục tăng ở miền Bắc và miền Nam, đa số vẫn bán được mức giá trên 50.00 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 17/9 tại miền Bắc
Giá heo hơi hôm nay ở miền Bắc tiếp tục tăng nhẹ ở một vài địa phương, hiện giá heo hơi toàn miền đang dao động từ 52.000 - 55.000 đồng/kg. Theo tờ Đời sống và Pháp lý thì có tỉnh Hà Nam tăng khoảng 500 đồng/kg hiện đang dao động từ 51.000 - 54.000 đồng/kg, Hưng Yên cũng tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với cuối tuần trước, hiện giá heo tại địa phương này đang ở khoảng từ 52.000 - 55.000 đồng/kg.
Tại Hà Nội giá heo đang khá ổn định ở mức từ 50.000 - 53.000 đồng/kg, Vĩnh Phúc dao động từ 51.000 - 53.000 đồng/kg. Hai địa phương có mức giá heo hơi tốt nhất toàn miền là Lai Châu và Sơn La dao động từ 53.000 - 55.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 17/9 tại miền Trung, Tây Nguyên
Giá heo hơi hôm tại khu vực này không có nhiều biến động đáng chú ý, nhưng nếu như tuần trước giá heo hơi khu vực này tăng nhẹ thì trong 2 ngày cuối tuần lại ghi nhận giảm.
Toàn miền, giá heo vẫn có sự chênh lệch rõ rệt, giá heo hơi tại các tỉnh Bắc Trung Bộ đang được thu mua trong khoảng 50.000 - 53.000 đồng/kg. Còn những địa phương từ Quảng Nam tới Bình Thuận, Ninh Thuận vẫn dao động dưới 50.000 đồng/kg, đạt 47.000 - 49.000 đồng/kg.
Ảnh: Internet.
Giá heo hơi hôm nay 17/9 tại miền Nam
Giá heo hơi tại thị trường miền Nam cũng có một vài biến động nhẹ và hiện đang thu mua ở mức từ 50.000 - 52.000 đồng/kg; có nơi còn lên tới 53.000 đồng như Tiền Giang, Đồng Nai. Hay như giá heo hơi tại Đồng Tháp cũng tăng 2.000 đồng/kg lên mức 52.000 đồng/kg.
Các địa phương như Sóc Trăng, Bình Phước có giá thấp hơn, khoảng 47.000 - 49.000 đồng/kg.
Phát hiện lợn bị dịch tả phải tiêu hủy ngay
Cảnh báo về dịch tả lợn châu Phi, trao đổi với báo giao thông, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nếu để xảy ra dịch tả lợn châu Phi thì hậu quả khôn lường. Do đó, các ngành liên quan phải rà soát lại Đề án Phòng chống dịch bệnh từ này đến cuối năm, đặc biệt xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết, cụ thể về phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, Cục Thú y cần kịp thời hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương để giám định nhanh các dịch bệnh trong chăn nuôi để có kết luận sớm nhất; tăng cường hợp tác chặt chẽ, liên tục có thông tin, kinh nghiệm của các nước để có biện pháp phòng chống dịch bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh, nghi bị bệnh. Tuân thủ các quy định về quản lý vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn.
Ông Ken Inui, Trung tâm Khẩn cấp kiểm soát bệnh động vật lây truyền qua biên giới (thuộc FAO) nhận định, khác với bệnh cúm hay lợn tai xanh, virus dịch tả heo châu Phi không tự ý lây lan phát tán mà do yếu tố của con người tác động thông qua việc vận chuyển lợn và các sản phẩm bệnh, nghi mắc bệnh.
Đáng chú ý, loại virus này có thể tồn tại thời gian dài trong điều kiện khắc nghiệt. Điển hình như Tây Ban Nha phải mất 35 năm mới đẩy lùi được căn bệnh này.
Bệnh tập trung nhiều ở heo trên 12 tuần tuổi, tất cả các lứa tuổi khác cũng có nguy cơ nhiễm bệnh. Hiện, chưa có vaccine và thuốc điều trị loại virus này. Khi lợn đã mắc bệnh, xác suất chết gần như 100%. Do vậy, trong trường hợp phát hiện lợn mắc bệnh, không nên điều trị mà cần tiêu hủy ngay, xử lý triệt để ổ dịch trong vòng bán kính 3,5km.