Hội thảo: Kinh nghiệm quốc tế và các vấn đề pháp lý đặt ra

Ngày 16.9, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo "Tài sản ảo, tiền ảo: Kinh nghiệm quốc tế và các vấn đề pháp lý đặt ra".
quan ly tien ao tiep tuc ngoi cho hay co quy dinh mem
Ảnh: Ngọc Thạch

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều nước trên thế giới đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, số hóa, tài chính, blockchain.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết bộ này đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng về rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở VN và quốc tế; nhận diện, đề xuất các định hướng hoàn thiện. Theo ông Lê Thành Long, tài sản ảo, tiền ảo nói chung hay tài sản mã hóa, tiền mã hóa nói riêng là vấn đề rất mới, và khung pháp lý đối với lĩnh vực này còn rất sơ khai, nên nhiều vấn đề pháp lý liên quan cần phải được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hướng hoàn thiện.

Ông Chionh Chye Kit, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Traceto.io, cho biết để xây dựng khung pháp lý, cần phải cân bằng giữa việc đảm bảo sáng tạo và bảo vệ người tiêu dùng. Bởi tiền ảo, tài sản ảo là những sản phẩm đòi hỏi sự sáng tạo về mặt công nghệ số, mã hóa, do đó, bên cạnh việc đưa nó vào khuôn khổ để quản lý, cần tạo điều kiện cho sự sáng tạo.

Chia sẻ những kinh nghiệm từ Singapore, bà Alice Chen, Giám đốc chiến lược Hiệp hội Blockchain Singapore, cho biết chính phủ nước này cũng chưa có những quy định chính thức về quản lý tiền ảo. Mặc dù vậy, Singapore vẫn luôn giám sát chặt chẽ hoạt động của tiền ảo, các sàn giao dịch để đánh giá mặt tích cực và hạn chế, lồng ghép vào đó những quy định về chống rửa tiền, các loại tội phạm lừa đảo. Cũng đến từ Singapore, ông Kenneth Yeo, Giám đốc Công ty Sparrow, khuyến nghị các cơ quan quản lý nên tiếp cận và đưa ra các quy định "mềm" trước khi hoàn thiện những khung pháp lý chính thức, nghiêm ngặt. Trong đó, có thể là những quy định về chống rửa tiền, trốn thuế, hay nhận diện khách hàng.

Bà Jaclyn Tsai, đồng sáng lập Hiệp hội Blockchain Đài Loan, góp ý thêm: "Đây là một vấn đề rất mới nên chúng tôi nghĩ Chính phủ chưa cần có khung pháp lý quá sớm mà nên chờ đợi thêm. Tại Đài Loan, các doanh nghiệp ở khối tư nhân đã làm việc với chính phủ, yêu cầu chính phủ đợi thêm để đánh giá tác động một cách toàn diện và đầy đủ hơn".