Việt Nam đã nổi lên trong khu vực Đông Nam Á như là nhà sản xuất năng lượng, dầu và khí tự nhiên quan trọng. Đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á về sản xuất dầu khí và trữ lượng dầu, Việt Nam đã tìm thấy xấp xỉ 100 mỏ dầu tiềm năng tại gần 50 khu vực, với trữ lượng dầu ước khoảng 643 triệu tấn dầu thô và 644m3 khí gas.
Triển vọng của ngành dầu khí và năng lượng Việt Nam đến từ việc đẩy mạnh hoạt động khai thác dầu thô và cho phép những khoản đầu tư lớn hơn của các công ty nước ngoài trong ngành dầu khí, đồng thời cải cách thị trường để hỗ trợ ngành năng lượng. Tốc độ tăng trưởng nhanh của Việt Nam, công nghiệp hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu cũng đã đẩy nhanh tiêu thụ năng lượng trong nước.
Ngành khí tăng trưởng nổi bật
Năm nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thông báo đang nỗ lực tăng dự trữ dầu khí khoảng 35-45 triệu tấn quy dầu/năm bằng cách đẩy nhanh việc khai thác và thăm dò những mỏ dầu ngoài khơi, đồng thời tập trung vào việc tìm nguồn vốn để tài trợ cho những dự án trung nguồn và hạ nguồn, cũng như kết nối cải tiến với năng lực kỹ thuật của công ty. Tổng nhu cầu đầu tư của Tập đoàn trong giai đoạn 2016-2020 là 782.000 tỉ đồng.
Thêm vào đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có một năm 2017 thành công, đạt được tất cả các kế hoạch đề ra. Bộ Công Thương đã công bố danh sách những nhà máy điện tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh năm 2018. "Cơ hội ở đây rất dồi dào và được chống lưng bởi một chính phủ thân thiện với nhà đầu tư và có tầm nhìn", ông Stuart Broadley, CEO Công ty EIC UK, nhận định.
Năm 2018 là lần đầu tiên chương trình EIC Connect được mang đến Việt Nam. Chương trình được thực hiện bởi Energy Industries Council (EIC), một tổ chức phi chính phủ và là 1 trong 130 sự kiện về chuỗi cung ứng năng lượng mỗi năm trên toàn cầu của EIC.
Trung tâm phân tích dữ liệu của EIC, EICDataStream, đã xác định những dự án năng lượng đang tiến hành hoặc được lên kế hoạch trị giá trên 93 triệu USD, với ngành năng lượng là nhân tố đóng góp lớn nhất với giá trị 46 triệu USD, theo sau đó là ngành dầu khí với 41 triệu USD. Di chuyển trên chuỗi giá trị năng lượng, trọng tâm chính của EIC là những cơ hội và khả năng khởi xướng ở Việt Nam, nổi lên từ Quy hoạch điện VII.
Tiêu thụ điện ước tính sẽ tăng trưởng 10%/năm. Tỉ lệ tiêu thụ điện ở Việt Nam tăng trưởng kép (CARG) 12% trong giai đoạn 2006-2016, gần gấp đôi so với tăng trưởng GDP. Quy hoạch điện VII đặt kế hoạch lượng điện tiêu thụ sẽ tăng 10-11%/năm, trong bối cảnh giả định tăng trưởng GDP 7%/năm.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán FPTS, ngành khí thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 2,5% trong giai đoạn 2000-2016. Theo dự báo, nhu cầu khí thiên nhiên thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 2,1%/năm ở giai đoạn 2016-2020. Trong những năm qua, ngành khí Việt Nam đã có những bước phát triển nổi bật với nhiều dự án đường ống thu gom khí đồng hành ngoài khơi, cùng việc xây dựng các cụm khí điện đạm và các cơ sở xử lý khí trong đất liền.
Trong giai đoạn 2011-2016, tốc độ tăng trưởng kép của ngành khí trong nước đạt trung bình 4%, cao hơn tốc độ của ngành khí toàn cầu. Dự báo trong giai đoạn 2016-2025, ngành khí trong nước vẫn có nhiều động lực tăng trưởng, mà động lực chính đến từ khí hóa lỏng sử dụng trong lĩnh vực dân dụng được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 7,6%/năm. Bên cạnh đó, kế hoạch phát triển nhiệt điện khí sẽ được đẩy mạnh với sản lượng điện tăng gấp đôi từ năm 2015 đến năm 2025, lên đến 15GW.
Việt Nam hiện tiêu thụ 10,7 tỉ m3 khí/năm. Trong khi mỏ khí lớn nhất Lan Tây - Lan Đỏ (tại bể khí Nam Côn Sơn) dự kiến sẽ được khai thác hết trong vài năm tới, nguồn cung khí sẽ có 2 mỏ khí mới là Phong Lan Dại và Sư Tử Trắng sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019 và 2020. Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) có kế hoạch xây dựng trạm LNG tại Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự kiến được hoàn thành năm 2020.
Phân hóa theo chuỗi giá trị
Giống như ngành khí thế giới, tỉ suất lợi nhuận của ngành khí trong nước phân hóa rõ rệt theo chuỗi giá trị. Những doanh nghiệp ở thượng nguồn đạt tỉ suất lợi nhuận sau thuế cao nhất, trung bình 12-15%/năm, trong khi nhóm các doanh nghiệp hạ nguồn đạt tỉ suất lợi nhuận sau thuế thấp hơn, chỉ khoảng 3-5%/năm.
Theo The Wall Street Journal, các tập đoàn dầu khí toàn cầu đang đẩy mạnh đầu tư vào các cây xăng, các nhà máy lọc hóa dầu, một mảng kinh doanh từng bị bỏ bê trước đây, để gia tăng lợi nhuận và mở rộng nền tảng khách hàng.
Ngành công nghiệp dầu khí bắt đầu tập trung đầu tư vào mảng kinh doanh hạ nguồn ở thời kỳ giá dầu thấp trong những năm trước đây cũng như do các lo ngại về nhu cầu dầu dài hạn. Mảng kinh doanh thượng nguồn (các hoạt động thăm dò và phát triển các mỏ dầu khí) chịu tổn thương khi giá dầu thấp.
Trong trung hạn 3-5 năm tới, FPTS dự báo ngành khí vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định, nhất là lĩnh vực kinh doanh khí LPG. Tuy nhiên, việc đầu tư và mở rộng cơ sở hạ tầng theo Quy hoạch phát triển ngành khí đến năm 2030 sẽ giúp mở rộng đối tượng khách hàng và phạm vi hoạt động của các phân khúc đang bị giới hạn về hệ thống phân phối như khí CNG, khí thấp áp. Giá dầu sẽ phục hồi trong dài hạn cùng với đà phục hồi của kinh tế trong nước cũng sẽ thúc đẩy thị trường khí thiên nhiên phát triển sôi động hơn.
Ngoài hoạt động chính từ nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất và Nghi Sơn, ngành dầu khí Việt Nam hiện có 4 dự án lớn đang được triển khai và sẽ góp phần tạo nên bước ngoặt của ngành trong thời gian tới. Đáng chú ý nhất là dự án Lô B Ô Môn, dự án lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay với tổng chi phí đầu tư trong 20 năm lên đến 7 tỉ USD.
Ngành công nghiệp điện Việt Nam đang được chuyển đổi sang thị trường điện cạnh tranh. Các bước nhằm tự do hóa ngành điện gồm: thị trường phát điện cạnh tranh để tự do hóa mảng phát điện, thị trường bán buôn cạnh tranh và thị trường bán lẻ cạnh tranh để tự do hóa mảng phân phối.
Quy mô của thị trường phát điện cạnh tranh đã tăng mạnh trong những năm qua. Tính đến cuối năm 2016, số lượng nhà máy điện tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2012, đạt 77 thành viên. Công suất của các thành viên trực tiếp đã tăng gấp đôi lên 20.000MW. Tuy nhiên, dù đang tăng dần trong một vài năm qua, công suất của các thành viên trực tiếp chỉ chiếm 50% công suất cả nước vào cuối năm 2016.
Bộ Công Thương nâng mức giá trần phát điện cạnh tranh, với mức giá năm 2017 tăng 50% so với thời điểm bắt đầu thị trường, ở mức 1.266 đồng/kWh. Thị trường bán buôn cạnh tranh sẽ đi vào hoạt động từ năm 2019, đồng thời chính sách mới về giá điện bán lẻ cũng được ban hành, theo đó EVN sẽ tính toán để điều chỉnh giá hằng quý, thay vì hằng năm trước kia. Điều này giúp EVN và các công ty điện thích nghi được với tình hình chi phí biến đổi, được VCSC đánh giá là một bước tiến mới trong quá trình tự do hóa ngành điện và chuẩn bị cho thị trường bán buôn cạnh tranh đi vào hoạt động trong năm 2019.
Sự tập trung của ngành dầu khí và năng lượng trong những tập đoàn lớn như PVN, PV Gas, EVN... Giúp việc tiếp cận của các nhà đầu tư và cung ứng nước ngoài dễ dàng hơn. Ông Ian Gibbons, Tổng Lãnh sự Anh, nhận định: "Đây là một cơ hội tuyệt vời cho những công ty Anh Quốc để thể hiện năng lực dẫn dầu trong ngành, để lắng nghe những cơ hội ở Việt Nam từ những nhà điều hành quốc tế đã hoạt động ở đây".
Từ Anh, 50 công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng đã đến tìm hiểu về cơ hội ở đây. Đây là lần đầu tiên các quốc gia phương Tây để mắt đến ngành năng lượng Việt Nam một cách bài bản. Trước đó, phần lớn các khoản đầu tư lớn trong ngành, từ thiết bị cho đến dự án đến từ các quốc gia châu Á lân cận như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Nhật, là những nước có trình độ hóa dầu và khai thác tiên tiến hơn Việt Nam. Như vậy, đây là tín hiệu tốt cho ngành năng lượng Việt Nam.
Đăng nhận xét